Tiến sĩ Steve Lee đã biến đổi thấu kính kính hiển vi bằng cách sử dụng giọt silicone |
Với phát minh này tất cả các bác sĩ, nhà khoa học và cậu học sinh trên thế giới có thể mang theo một thấu kính độ phóng đại cao trong túi, và tất cả bắt đầu chỉ bằng việc đổ tràn ngẫu nhiên (spill).
Đầu tiên, tiến sĩ WM Steve Lee muốn làm một thấu kính phẳng sử dụng một khuôn mẫu, nhưng những giọt silicone trong được nung chảy mà ông sử dụng lại tạo nên hình dạng tự nhiên ngoài ý muốn, khiến ông phải chú ý.
"Một vài giọt tràn ra ngoài, và dính lại bên cạnh ngoài tủ sấy, tạo nên một hình dạng rất đẹp", tiến sĩ Lee nói.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật treo tương tự và dần dần kết hợp bốn giọt - được nung chảy ở 70 độ - các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc đã làm tăng đường cong của thấu kính, khiến nó có thể phóng đại 160 lần với độ phân giải khoảng bốn micron.
Trong khi kính hiển vi tốt nhất thế giới có thể nhìn thấy ít hơn một micron, bước đột phá ở đây chính là giá thành. Không cần phải đánh bóng như thấu kính của kính hiển vi thông thường, tiến sĩ Lee cho biết ông chỉ cần không tới 1 cent để chế tạo.
"Một thấu kính siêu nhỏ cùng cấp độ sẽ tốn chi phí khoảng 300 USD" ông nói.
Thấu kính polymer có thể gắn trực tiếp vào ống kính của smart phone, có nghĩa là hầu như ai cũng có thể có một kính hiển vi di động - có thể ghi lại hình ảnh - có khả năng xem tất cả mọi thứ từ các lỗ chân lông mồ hôi của một ngón tay đến các tế bào và côn trùng nhỏ.
Tiến sĩ Vincent Daria, từ Trường nghiên cứu y khoa John Curtin, cho biết ống kính mới có thể đem lại lợi ích cho công tác chăm sóc sức khỏe.
"Nó sẽ rất hữu ích cho việc phát hiện bệnh sốt rét, đặc biệt là ở các nước đang phát triển", tiến sĩ Daria nói.
Với bằng sáng chế được cấp, tiến sĩ Lee cho biết ông đã ký hợp đồng kể từ tháng 5/2014 với Trung tâm hợp tác nghiên cứu an toàn sinh học thực vật và cũng có thể nhận được tài trợ từ Quỹ Khám Phá Dịch thuật của ANU để cải thiện và thương mại hóa công nghệ này.
Cha đẻ của công nghệ này cho biết, phản hồi chủ yếu nhất từ các đồng nghiệp quốc tế của ông là về các cơ hội rộng mở mà phát minh này mang lại cho lĩnh vực giáo dục, điều mà ông đã ấp ủ.
"Trong giáo dục chưa có một cuộc cách mạng nào trong việc đem kính hiển vi đến tất cả mọi người, bởi vì vấn đề giá cả" ông nói.
"Một đứa trẻ, dưới sự giám sát, có thể làm những thấu kính này ở nhà."
(Theo The Sydney Morning Herald)